Tin tức

Những nguyên tắc cơ bản tuyệt đối cần thực hiện đúng khi sơ cứu bỏng 

Ngày 24/04/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tính trạng bỏng như: bỏng hơi, bỏng nước sôi, bỏng lửa, bỏng do hóa chất,... Tùy thuộc từng loại sẽ có những nguyên tắc sơ cứu khác nhau, sơ cứu bỏng đúng cách sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị và phục hồi sau này của bệnh nhân.

 

1. Các tác nhân gây bỏng

Thông thường, có 4 nhóm tác nhân gây bỏng phổ biến như sau:

Vết thương do bỏng gây nên

Vết thương do bỏng gây nên

  • Bỏng do nhiệt độ
  • Bỏng do lửa, bỏng kim loại (thường do ống bô xe máy).
  • Bỏng nước sôi, bỏng hơi, bỏng dầu mỡ.
  • Bỏng điện: Bỏng do bị sét đánh hoặc điện giật
  • Bỏng hóa chất
  • Bỏng acid: Do tiếp xúc trực tiếp với một số loại acid mạnh như H2SO4, HNO3, HCL,...
  • Bỏng bazo: Một số loại bazơ như NaOH, KOH,...Bỏng vôi tôi vừa đo nhiệt vừa do bazo.
  • Bỏng do các tia vật lý: Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm, các tia vật lý bao gồm tia X, tia gamma, tia beta,...

Da người là bộ phận đầu tiên bị tổn hại khi bị bỏng, da mỏng và nhạy cảm do vậy sẽ tổn thương rất nặng khi bỏng mà không được sơ cứu và điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp bỏng nặng không những ảnh hưởng tới da mà còn tổn thương đến lớp cơ, mạch máu, làm thay đổi cấu trúc vùng bỏng. Trong trường hợp nguy hiểm nhất có thể khiến nạn nhân tử vong hoặc tàn phế.

2. Nhận biết 5 mức độ bỏng

Thông thường dựa vào độ sâu của vết thương để phân biệt các mức độ bỏng, bao gồm bỏng nông và bỏng sâu.

2.1. Bỏng nông

Bỏng nông bao gồm 3 mức độ, cụ thể như sau:

- Bỏng độ I: Viêm cấp đỏ da do bỏng

Đặc điểm: Tổn thương nông ở lớp biểu bì, viêm da vô trùng, da bị xung huyết hoặc viêm nề. Vết bỏng sẽ tự khỏi sau khoảng thời gian ngắn từ 2 - 3 ngày. Thường gặp ở những trường hợp bị cháy nắng.

- Bỏng độ II: Tổn thương biểu bì, lớp đáy còn

Đặc điểm: Vết bỏng khiến biểu bì bị tổn thương nhưng phần đáy còn nguyên vẹn, vòm phỏng mỏng có màu hồng nhạt, dịch bên trong có màu vàng. Vết bỏng tự lành lại trong vòng 10 ngày nhờ biểu mô từ phần còn lại không bị tổn thương của các tế bào mầm ở lớp đáy biểu bì. Sau khi khỏi vết da bỏng có màu nhạt hơn so với vùng da xung quanh.

- Bỏng độ III nông: Tổn thương phần nhú, các phần phụ của da vẫn còn

Đặc điểm: Tổn thương lớp nhú, phần còn lại như tuyến mồ hôi, tuyến bã, gốc lông chưa bị ảnh hưởng. Vết bỏng có vòm dày màu đỏ, dịch bên trong có màu trắng đục hoặc huyết tương vón cục. Nhạy cảm kể cả khi có luồng không khí thổi qua. Vết bỏng độ III nông sẽ tự khỏi sau 15 ngày nhờ các biểu mô hoá từ phần phụ chưa bị tổn thương của da.

- Bỏng độ III sâu: Tổn thương đến lớp lưới của da.

Đặc điểm: Tổn thương gần hết chiều sâu của trung bì, bám dính vào vùng cận hoại tử. Dạng tổn thương thuộc dạng trung gian nên rất khó chẩn đoán. Hoại tử sẽ rụng trong khoảng 12 đến 14 ngày và rất dễ chuyển thành bỏng sâu.

Hình vẽ mô tả da bình thường và ba mức độ tổn thương khi bị bỏng

Hình vẽ mô tả da bình thường và ba mức độ tổn thương khi bị bỏng

2.2. Bỏng sâu

- Bỏng độ IV: Bỏng toàn bộ lớp da

Tổn thương toàn bộ các lớp da, các thành phần biểu mô đều bị phá huỷ, hoại tử có dạng khô hoặc ướt.

  • Hoại tử khô: Chắc, có màu vàng hoặc đen, lõm sâu so với da. Thường rụng cả khối và có dịch mủ ở dưới.

  • Hoại tử ướt: Màu trắng nhợt nhạt, phù nề cao hơn lớp da bình thường, xung huyết rộng.

Vết thương do bỏng mức độ IV không tự lành được do không còn thành phần của các hạt biểu mô.

- Bỏng độ V: Tổn thương đến các lớp dưới da và nội tạng

Mức độ nguy hiểm nhất, ảnh hưởng đến lớp cơ, gân, xương và nội tạng của nạn nhân. Thường do bị điện giật hoặc bỏng lửa khi lên cơn động kinh. Thời gian rụng hoại tử kéo dài từ 2 đến 3 tháng, hậu quả rất nặng nề.

Ngoài ra vết bỏng còn phụ thuộc nhiều và các tác nhân gây bỏng, thời gian mà các tác nhân đó tiếp xúc với da. Do vậy nắm được những phương pháp sơ cứu bỏng rất quan trọng trong việc làm giảm độ sâu cho vùng da bị tổn thương.

3. Nguyên tắc chung sơ cứu bỏng

Khi bị bỏng nếu không được sơ cứu đúng cách và kịp thời rất có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, việc chữa trị và bình phục sẽ gặp khó khăn hơn ảnh hưởng đến tương lai của nạn nhân. Do vậy cho dù bỏng nặng hay nhẹ thì cũng nên tự sơ cứu hoặc nhờ người sơ cứu để không xảy ra những điều đáng tiếc ngoài ý muốn.

Nguyên tắc chung của sơ cứu bỏng bao gồm một số điều như sau:

- Việc đầu tiên cần làm là tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng.

- Xối trực tiếp nước sạch vào vùng bị bỏng, xả liên tục trong 20 phút để làm giảm nhiệt độ trên bề mặt da, động tác này còn giúp làm giảm độ sâu mà vết bỏng gây nên. Tuyệt đối không sử dụng nước đá lạnh, chỉ sử dụng nguồn nước sạch thông thường như nước máy.

- Dùng khăn sạch hoặc bông gạc để thấm bớt nước ở khu vực bị bỏng. 

- Băng nhẹ vết bỏng bằng gạc đã vô trùng hoặc vải sạch không có lông tơ.

- Nhận biết vết bỏng dựa vào 3 mức độ mà chúng tôi đã nêu ở mục 2 để có biện pháp thích hợp. Nếu nhẹ, bạn có thể tự thoa thuốc bỏng tại nhà nhưng nếu tình trạng nặng thì phải đưa ngay đến trung tâm y tế gần nhất để được khám chữa và điều trị kịp thời.

Xả nước liên tục trong 20 phút vào vết bỏng để giảm mức độ tổn thương

Xả nước liên tục trong 20 phút vào vết bỏng để giảm mức độ tổn thương

4. Sơ cứu bỏng trong những trường hợp đặc biệt

Đối với các tác nhân gây bỏng đặc biệt cũng có biện pháp sơ cứu thích hợp, cụ thể như sau:

- Bỏng điện

Đầu tiên cần phải cắt cầu dao hoặc sử dụng những vật dụng không dẫn điện để kéo nạn nhân ra ngoài. Nếu thấy tim ngừng đập cần cấp cứu ngừng tuần hoàn khi nào tim đập lại mới đưa đi cấp cứu.

- Bỏng hóa chất

Rửa nước liên tục để làm giảm nồng độ của hóa chất. Nếu bỏng bazo thì nên pha thêm chanh hoặc giấm, nếu bỏng acid thì nên thêm bicarbonat, mục đích là để trung hòa hai loại dung dịch này. Nếu bỏng vùng mắt thì nên rửa bằng nước sạch trong 20 phút sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

- Bỏng lửa

Việc đầu tiên cần làm là dập tắt nguồn lửa trên quần áo mà nạn nhân đang mặc, biện pháp khá hiệu quả đó là dùng chăn trùm lên để dập lửa. Xé bỏ phần quần áo đang cháy âm ỉ hoặc bị thấm nước nóng, dầu hay các dung dịch hoá chất.không cố gỡ dị vật dính tại vết bỏng vì có thể làm tổn thương da nặng hơn. Bọc vùng bỏng chắc chắn băng băng xô hoặc khăn sạch rồi đổ nước mát lên. Các bước tiếp theo làm tương tự như bỏng nước sôi. 

Tuyệt đối không gỡ quần áo ở những chỗ bỏng, việc này chỉ khiến vết bỏng bị tổn thương nặng hơn và gây đau đớn cho nạn nhân. Nên sử dụng bông gạc y tế che vết bỏng lại để tránh nhiễm trùng rồi mới đưa đi bệnh viện.

5. Những điều không nên làm khi sơ cứu bỏng

- Không sử dụng nước đá lạnh, nhiệt độ thấp khiến thân nhiệt bị giảm dẫn đến tình trạng mạch máu bị co lại khiến vết bỏng nghiêm trọng hơn. Đây là lỗi sai phổ biến mà mọi người cần lưu ý để không mắc phải.

Tuyệt đối không sử dụng nước đá lạnh để sơ cứu vết bỏng

Tuyệt đối không sử dụng nước đá lạnh để sơ cứu vết bỏng

- Bôi những loại truyền miệng như nước mắm, củ chuối,... Đây là những điều phản khoa học và không nên thực hiện theo, chúng chỉ khiến vết bỏng nghiêm trọng hơn.

- Bôi kem đánh răng lên chỗ bị bỏng là một quan niệm sai lầm, trong kem đánh răng có chứa một lượng ít bazo, khi thoa lên vùng bỏng chỉ khiến bệnh nhân đau đớn hơn. Tuy nhiên có thể áp dụng trong trường hợp bỏng acit sau khi sơ cứu, bazơ trong kem đánh răng có tác dụng trung hòa phần acid.

- Không làm vỡ các bọc nước để tránh tình trạng nhiễm trùng.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến sơ cứu bỏng quý khách vui lòng liên hệ 1900 56 56 56 để MEDLATEC giải đáp cho bạn.

Từ khoá: sơ cứu bỏng

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ